Loãng xương là một căn bệnh thầm lặng nhưng nguy hiểm, đặc biệt phổ biến ở người từ 50 tuổi trở lên.
Theo thống kê của Hiệp hội Loãng xương quốc tế (IOF), loãng xương ảnh hưởng đến khoảng 500 triệu người trên toàn cầu, trong đó 21,2% phụ nữ và 6,4% nam giới từ 50 tuổi trở lên mắc bệnh.
Mỗi năm, thế giới ghi nhận 37 triệu ca gãy xương do loãng xương ở người trên 55 tuổi, tương đương khoảng 70 ca mỗi phút. Ước tính, 1/3 phụ nữ và 1/5 nam giới sau tuổi 50 sẽ gặp ít nhất một lần gãy xương do loãng xương.

Loãng xương là căn bệnh đặc biệt phổ biến ở những người trên 50 tuổi, gây ảnh hưởng cho khoảng 500 triệu người trên thế giới (Ảnh minh họa: Shutterstock).
Thông tin được ThS.BS. Phạm Ngọc Oanh, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Bệnh không lây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, chia sẻ tại buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Dinh dưỡng - Bệnh không lây với chủ đề Dưỡng chất cho xương - Giải pháp hỗ trợ loãng xương ở người lớn tuổi.
Vị bác sĩ nhấn mạnh, tình trạng loãng xương không chỉ là vấn đề toàn cầu mà còn đặc biệt đáng lo ngại tại các quốc gia và đô thị đang già hóa nhanh như TPHCM, nơi hiện có hơn 1,5 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 16% dân số.
Đây là một thách thức rất lớn đối với hệ thống y tế, an sinh xã hội, đòi hỏi những giải pháp toàn diện và bền vững nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi.
Theo bác sĩ Oanh, để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị loãng xương, mỗi người cần có chế độ dinh dưỡng khoa học. Đặc biệt, đối với người cao tuổi hoặc người có nguy cơ mắc bệnh cơ xương khớp, việc bổ sung đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu là cực kỳ quan trọng để giữ cho hệ xương luôn chắc khỏe.
Canxi là khoáng chất thiết yếu tạo nên cấu trúc của xương và răng, giúp duy trì mật độ xương ổn định, ngăn ngừa tình trạng loãng xương và tham gia vào các chức năng quan trọng khác của cơ thể.
Nguồn canxi tự nhiên có thể tìm thấy trong các thực phẩm như sữa, các chế phẩm từ sữa (phô mai, sữa chua), tôm, cua đồng, cá và các loại rau xanh như rau dền, rau ngót, cần tây…
Magie và Phospho là hai khoáng chất quan trọng giúp xương phát triển và duy trì cấu trúc chắc khỏe. Hai chất này có hầu hết trong các loại thực phẩm, có nhiều trong các loại đậu, ngũ cốc, sữa, trứng, thịt bò, thịt gà… Phospho có nhiều trong các loại đậu, hạt, ngũ cốc, sữa, trứng và các loại thịt.
Vitamin D giúp tăng cường hấp thu canxi và phospho qua đường tiêu hóa và giảm đào thải qua thận. Vitamin D chủ yếu được cơ thể tổng hợp từ ánh sáng mặt trời và có thể được bổ sung qua các loại thực phẩm như sữa, lòng đỏ trứng, dầu gan cá…
Vitamin K hỗ trợ gắn kết canxi vào xương và tham gia vào quá trình đông máu. Thực phẩm giàu vitamin K chủ yếu là các loại rau lá xanh đậm như: cải bó xôi, cải thìa, cải xoăn và bông cải xanh. Ngoài ra, vitamin K còn có trong trứng, thịt, các loại dầu như dầu đậu tương, hướng dương, dầu hạt nho.
Protein (chất đạm): là thành phần thiết yếu giúp xây dựng cơ bắp, bảo vệ khung xương, giúp hạn chế gãy xương do suy giảm khối cơ ở người lớn tuổi. Protein có nhiều trong các loại thịt, cá, trứng, sữa và các loại đậu, đỗ…
Bên cạnh đó, mọi người cũng cần bỏ thói quen ăn mặn, hút thuốc lá hay ít vận động. Những thói quen này đều âm thầm làm suy giảm mật độ xương theo thời gian.
Ăn mặn khiến cơ thể tăng đào thải canxi qua đường tiểu, làm giảm lượng canxi dự trữ trong xương. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo mỗi người chỉ nên ăn dưới 5g muối mỗi ngày. Tuy nhiên, lượng này tại Việt Nam vẫn cao hơn với 8,4g/ngày/người.
Hút thuốc lá ảnh hưởng đến quá trình hấp thu canxi, ức chế hoạt động của tế bào tạo xương và làm giảm mật độ xương dẫn đến tăng nguy cơ loãng xương.
Thiếu vận động thể lực khiến cơ và mật độ xương bị suy yếu, làm suy giảm khối cơ, tăng nguy cơ loãng xương và té ngã ở người lớn tuổi.
Bác sĩ Oanh khuyến cáo mọi người nên vận động đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày, liên tục 5 ngày trong tuần với cường độ trung bình và tùy theo tình trạng sức khỏe sẽ giúp cải thiện mật độ xương và giảm nguy cơ loãng xương.
Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/can-benh-tham-lang-anh-huong-500-trieu-nguoi-tren-the-gioi-20250701085934612.htm
Bình luận (0)