Chính sách tiền tệ linh hoạt
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 19/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, trong bối cảnh nền kinh tế mở và nhiều biến động, Ngân hàng Nhà nước luôn điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, bám sát thực tiễn, sử dụng công cụ phù hợp để kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô và giữ vững thị trường tiền tệ - ngoại hối.
Theo giới phân tích tài chính, động thái phát hành tín phiếu trở lại gần đây của Ngân hàng Nhà nước là một trong những biện pháp điều hành linh hoạt nhằm giảm bớt áp lực lên tỷ giá, góp phần ổn định thị trường ngoại hối trong ngắn hạn. Việc phát hành tín phiếu không chỉ giúp hút tiền tạm thời khỏi thị trường, mà còn phát đi tín hiệu về sự thận trọng của Ngân hàng Nhà nước trước biến động vĩ mô.
Việc mở lại kênh phát hành tín phiếu cho thấy định hướng hút bớt thanh khoản hệ thống ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh tỷ giá VND/USD ở mức cao. Cụ thể, trong phiên 24/6, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết lên mức 25.058 VND/USD - là mức cao nhất kể từ năm 2016. Đến ngày 25/6 và sang ngày 26/6, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm còn 25.053 VND/USD.
Để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, kích cầu tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng tiết kiệm chi phí. PGS-TS. Trần Hùng Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng (Trường đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã được các ngân hàng điều chỉnh giảm. Song về dài hạn, lãi suất sẽ theo cung - cầu vốn của thị trường.
Theo PGS-TS. Sơn, cần cân bằng bài toán lãi suất và tỷ giá, nhất là khi lộ trình cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chậm lại. Dù chỉ số đánh giá sức khỏe USD hiện duy trì dưới ngưỡng 100 điểm, song áp lực tỷ giá trong nửa cuối năm vẫn là vấn đề được thị trường quan tâm. Chỉ số USD-Index đã giảm hơn 10% so với đầu năm, chỉ còn 97,5 điểm tính đến ngày 26/6, trong khi tỷ giá USD/VND đã tăng 2,7%.
Khó duy trì môi trường lãi suất thấp
Bà Bùi Thị Thao Ly, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV) cho hay, lạm phát, tỷ giá tăng gây khó khăn cho việc duy trì môi trường lãi suất thấp. Tỷ giá hiện chịu nhiều sức ép khi giá USD trong nước tăng, bất chấp USD Index giảm hơn 10% từ đầu năm đến nay. Áp lực tỷ giá chủ yếu đến từ nhu cầu USD tăng mạnh mang tính mùa vụ cuối năm (thường rơi vào quý III và IV hàng năm).
Trước thời điểm các chính sách thuế quan mới dự kiến có hiệu lực, hoạt động xuất nhập khẩu ghi nhận sự gia tăng đột biến. Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng 14%, trong khi nhập khẩu tăng tới 17%, khiến cán cân thương mại chuyển sang nhập siêu. Diễn biến này dẫn đến nhu cầu tích trữ USD tăng vọt từ phía doanh nghiệp, góp phần lý giải việc tỷ giá trong nước diễn biến ngược chiều thế giới.
Thêm vào đó, Mỹ đã tham chiến ở Iran làm dấy lên nhiều lo ngại về xung đột Israel - Iran đẩy giá dầu tăng mạnh, khiến lạm phát leo thang. Chỉ số CPI trong 5 tháng đầu năm vẫn được kiểm soát ở mức thấp chủ yếu nhờ giá dầu giảm. Vì thế, nếu tỷ giá và lạm phát tăng mạnh, sẽ gây khó khăn cho việc duy trì chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng, môi trường lãi suất thấp như hiện nay.
Giới phân tích cho rằng, với áp lực tỷ giá nếu Fed không tăng lãi suất, Việt Nam cũng gặp khó khăn trong nỗ lực duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng. Lãi suất điều hành sẽ được nhà điều hành ngân hàng giữ mức 4% hiện nay.
UOB dự báo, VND sẽ tiếp tục dao động ở vùng giá yếu trong biên độ giao dịch với USD đến hết quý III/2025. Tuy nhiên, từ quý IV/2025 trở đi, VND có thể bắt đầu lấy lại đà phục hồi, hòa nhịp cùng xu hướng cải thiện chung của các đồng tiền châu Á khi bất ổn thương mại dần lắng dịu. Tỷ giá VND/USD sẽ ở mức 26.300 VND/USD trong quý III/2025, 26.100 VND/USD trong quý IV/2025, 25.900 VND/USD trong quý I/2026 và 25.700 VND/USD trong quý II/2026.
Nguồn: https://baodautu.vn/can-bang-bai-toan-ty-gia-va-lai-suat-d318846.html
Bình luận (0)