Caffeine: "Nhiên liệu" cho cuộc đua học xuyên đêm của giới trẻ
Trong bối cảnh áp lực học tập và công việc ngày càng gia tăng, caffeine đang trở thành "người bạn đồng hành" không thể thiếu của nhiều học sinh, sinh viên, đặc biệt là trong những đêm "chạy deadline" hay ôn thi nước rút.
Khánh Ngọc, sinh viên năm nhất tại Hà Nội, là một trong số đó. Cô gái trẻ thường xuyên phải nạp 2-3 ly cà phê mỗi ngày để duy trì sự tỉnh táo, hoàn thành bài tập đúng hạn.
"Cơ thể mệt rã rời nhưng đầu vẫn phải căng ra để kịp deadline. Nhiều khi vừa buồn ngủ, vừa stress nhưng vẫn phải ngồi lì để làm cho xong", Ngọc chia sẻ.

Với Ngọc, cà phê như người bạn đồng hành trong những đêm chạy deadline (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Tương tự, Bảo Ngọc, sinh viên năm 3 học song song hai bằng đại học, thường xuyên tìm đến các quán cà phê mở 24/7 để "cày" bài xuyên đêm. "Mấy lon nước tăng lực hay cà phê là thứ gần như lúc nào cũng để sẵn bên cạnh", Ngọc tâm sự.

Các quán cà phê 24/7 đã trở thành điểm đến lý tưởng để chạy deadline của giới trẻ (Ảnh: Linh Chi).
Ngay cả học sinh phổ thông cũng không ngoại lệ. Thùy Dương, học sinh lớp 12 ở Thanh Hóa, đã phải dùng đến lon nước tăng lực thứ ba trong ngày để chống chọi với cơn buồn ngủ, hoàn thành việc học đến 2 giờ sáng trước kỳ thi THPT quốc gia.
"Không uống nước tăng lực thì chịu không nổi, buồn ngủ là đầu óc đơ, không làm được bài", Dương hồi tưởng.
Từ giải pháp tình thế đến thói quen lệ thuộc
Caffeine, một chất kích thích hệ thần kinh trung ương, đã trở thành một phần không thể thiếu trong "văn hóa cú đêm" của giới trẻ. Tuy nhiên, từ một giải pháp tình thế để "chống buồn ngủ", caffeine đang dần trở thành một thói quen mang yếu tố lệ thuộc.
Gia Huy (18 tuổi, TP. Đà Nẵng) chia sẻ: "Cứ ngồi vào bàn học là phải có cà phê bên cạnh. Không uống là đầu óc cứ lơ mơ. Có cà phê rồi thì như được bật công tắc, đầu óc trở nên tỉnh táo".

Uống cà phê để thức khuya học bài là thói quen phổ biến của nhiều học sinh cuối cấp trong giai đoạn nước rút (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Các nghiên cứu cũng cho thấy xu hướng này. Tại Mỹ, 92% sinh viên đại học sử dụng caffeine thường xuyên, trong đó gần 80% dùng để duy trì sự tỉnh táo. Tại Việt Nam, một khảo sát tại Đại học Y Hà Nội năm 2023 cho thấy 88,3% sinh viên năm cuối từng sử dụng thức uống chứa caffeine.
Điều đáng lo ngại là trạng thái lệ thuộc này thường không được người trẻ nhận biết. Việc không thể học nếu thiếu caffeine dễ bị nhầm lẫn với sự tập trung, trong khi thực chất có thể là dấu hiệu cơ thể đang quá tải và cần nghỉ ngơi.
Học dài hơi mà không cần hy sinh giấc ngủ
Phương Linh (19 tuổi, sinh viên tại Hà Nội) là một ví dụ điển hình về tác động tiêu cực của việc lạm dụng caffeine.
Dù ý thức được những ảnh hưởng đến sức khỏe như khó ngủ, tim đập nhanh, đau đầu, Linh vẫn khó từ bỏ thói quen này. "Dạ dày thì đau âm ỉ, người lúc nào cũng căng thẳng, nhưng nếu không uống thì cả ngày lờ đờ, không học nổi", Linh chia sẻ.

Cà phê trở thành người bạn không thể thiếu của Phương Linh (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Tuy nhiên, Hoàng Khánh Chi (19 tuổi, sinh viên Học viện Ngoại giao) đã tìm được cách điều chỉnh.
Thay vì nạp caffeine, Chi áp dụng phương pháp học Pomodoro, chia thời gian học thành các chu kỳ ngắn xen kẽ với nghỉ ngơi hợp lý. "Khi áp dụng phương pháp này, tôi học tập trung hơn mà không cảm thấy mệt mỏi, uể oải", Chi chia sẻ.
ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam, cảnh báo về tác hại của việc lạm dụng caffeine.
"Nếu lạm dụng, người dùng dễ gặp phải các triệu chứng như tim đập nhanh, đánh trống ngực, hồi hộp, rối loạn giấc ngủ. Về lâu dài, có thể ảnh hưởng đến nhịp tim, gây rối loạn huyết áp và làm tăng gánh nặng lên hệ tim mạch", BS Mạnh cho biết.
Bác sĩ khuyến cáo thanh thiếu niên không nên tiêu thụ quá 100–150mg caffeine/ngày và tuyệt đối không nên dùng caffeine để thay thế bữa ăn sáng.
Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/caffeine-va-giac-ngu-bi-danh-cap-cua-the-he-cay-diem-20250629220633955.htm
Bình luận (0)