Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Các xã vùng biên vận hành thông suốt

Việc thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp không chỉ là bước đi trong lộ trình tinh gọn bộ máy mà còn là “phép thử” thực tiễn cho năng lực điều hành, sự thích ứng, thích nghi của bộ máy chính quyền địa phương.

Báo An GiangBáo An Giang24/07/2025

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Văn Phước (bìa trái) trao đổi với người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Châu Phong

Vận hành đồng bộ

Sau 3 tuần sáp nhập, việc vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại các xã vùng biên như: Tân An, Vĩnh Xương, Châu Phong bắt đầu có những tín hiệu tích cực như: Bộ máy ổn định, hoạt động thông suốt, người dân đồng thuận.

Xã Tân An được thành lập trên cơ sở hợp nhất từ 3 xã: Tân An, Tân Thạnh và Long An. Có thể khẳng định, đến nay, bộ máy xã Tân An được tổ chức lại theo hướng tinh, gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Ông Đỗ Văn Leo - Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Tân An cho biết: “Chúng tôi đã kiện toàn các phòng chuyên môn, bố trí nhân sự hợp lý. Hiện, Trung tâm Phục vụ hành chính công xã có đầy đủ cơ sở vật chất, vận hành hiệu quả, tiếp nhận và xử lý hàng trăm hồ sơ mỗi tuần, trong đó tỷ lệ trả kết quả đúng hạn đạt gần 100%”.

Tại xã Châu Phong, sau khi sáp nhập từ 3 đơn vị cũ là Lê Chánh, Phú Vĩnh và Châu Phong, chính quyền mới cũng sớm ổn định và hoạt động hiệu quả. UBND xã đã hoàn tất việc điều động, tiếp nhận 86 cán bộ, công chức và bố trí đồng bộ tại các phòng, ban, trung tâm. Đặc biệt, Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Châu Phong đi vào hoạt động thông suốt, tiếp nhận và giải quyết 262 hồ sơ chỉ trong 2 tuần đầu.

Không chỉ đảm bảo vận hành về mặt hành chính, các xã còn tích cực chuẩn bị cho đại hội đảng bộ nhiệm kỳ mới. Ông La Hồng Phong - Bí thư Đảng ủy xã Tân An khẳng định: “Chúng tôi vừa tổ chức xong hội nghị Ban Chấp hành; xây dựng văn kiện và kiện toàn tổ chức, chuẩn bị rất kỹ cho Đại hội Đảng bộ xã lần thứ I. Tinh thần chung là “đổi mới, hiệu quả và gần dân hơn nữa”.

Trong quá trình tái tổ chức, điều quan trọng không kém là làm tốt công tác dân vận. Các địa phương đều đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân nắm rõ sự thay đổi về trụ sở, thủ tục hành chính mới, cách thức tiếp cận dịch vụ công. Bà Võ Thị Lan, người dân ấp 2, xã Vĩnh Xương chia sẻ: “Lúc đầu tôi hơi lo khi nghe sáp nhập, sợ đi làm giấy tờ khó khăn. Nhưng khi tới Trung tâm Phục vụ hành chính công xã được cán bộ hướng dẫn tận tình, thủ tục nhanh gọn, tôi rất hài lòng”.

Còn bà Nguyễn Thị Định, ngụ xã Tân An bày tỏ: “Mỗi lần đến làm giấy khai sinh hay chứng thực, đều có bàn ưu tiên cho người cao tuổi. Tôi thấy chính quyền mới lo cho dân kỹ lưỡng lắm!”. Cùng với sự chủ động của cán bộ, các xã còn tổ chức nhiều kênh thông tin để người dân dễ dàng tiếp cận nhanh chóng như: Fanpage xã, loa truyền thanh, mã QR tra cứu thủ tục để hỗ trợ người dân. Riêng xã Tân An, Trung tâm Phục vụ hành chính công đã công khai 60 quyết định thủ tục hành chính, triển khai kết nối mạng tốc độ cao và camera giám sát để phục vụ người dân.

Nhiều trăn trở

Tuy đạt nhiều kết quả tích cực, chính quyền các xã vùng biên cũng không tránh khỏi khó khăn trong giai đoạn đầu vận hành mô hình mới. Một trong những vấn đề lớn là cơ sở vật chất xuống cấp, phân tán. Ông Bùi Thái Hoàng - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Xương, thẳng thắn nhìn nhận: “Việc bố trí trụ sở làm việc của Đảng ủy, UBND và các tổ chức chính trị - xã hội tại nhiều điểm khác nhau khiến công tác phối hợp, chỉ đạo còn hạn chế. Chúng tôi kiến nghị tỉnh sớm cho chủ trương nâng cấp, quy hoạch lại trụ sở tập trung”.

Tại xã Tân An, nhiều thiết bị công nghệ như: Máy tính, máy in tại Trung tâm Phục vụ hành chính công đều đã cũ, ảnh hưởng tới tiến độ xử lý hồ sơ. Bên cạnh đó, cán bộ vẫn còn lúng túng với các phần mềm hành chính mới, một số dữ liệu chưa được liên thông, gây khó khăn khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Cùng với đó, xã Châu Phong cũng gặp tình trạng tương tự khi phần mềm hộ tịch còn nhiều lỗi, không đồng bộ dữ liệu giữa các xã cũ. Điều này buộc nhiều thủ tục phải xử lý thủ công, kéo dài thời gian giải quyết.

Trước những khó khăn trên, các xã đã chủ động đề xuất nhiều giải pháp, trong đó, kiến nghị đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, đặc biệt là xây dựng trụ sở làm việc tập trung, bổ sung trang thiết bị công nghệ hiện đại cho các phòng, ban, trung tâm hành chính công. Bên cạnh, tăng cường tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã về kỹ năng xử lý công việc, ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ Nhân dân. Bố trí người phụ trách kỹ thuật tại chỗ để kịp thời xử lý các lỗi hệ thống phần mềm dịch vụ công. Ông La Hồng Phong nhấn mạnh: “Để vận hành hiệu quả mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo cho hiệu quả điều hành”.

Việc tổ chức lại bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp không chỉ là yêu cầu cải cách hành chính mà còn là bước khởi đầu cho những thay đổi lớn về quản trị, điều hành quốc gia, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Các xã Tân An, Vĩnh Xương, Châu Phong, nơi từng gắn với đặc thù vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện địa lý phân tán, giờ đây đã và đang thay đổi từng ngày. Người dân kỳ vọng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp không chỉ tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả mà còn gần dân, sát dân, minh bạch hơn.

Bài và ảnh: MINH HIỂN

Nguồn: https://baoangiang.com.vn/cac-xa-vung-bien-van-hanh-thong-suot-a424871.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm