Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, "trường làng" THPT Chương Mỹ A (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) tiếp tục tạo nên sự bất ngờ khi là cái nôi học tập của thủ khoa khối A00 - nam sinh Nguyễn Duy Phong. Phong có điểm thi tuyệt đối ở khối A00, điểm số lần lượt là: toán 10; vật lý 10; hóa học 10.
Không chỉ vậy, trước đó, Phong cũng là thí sinh đạt điểm cao nhất kỳ thi Đánh giá năng lực (HSA) do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức. Em đạt 130/150 điểm, vượt thủ khoa của kỳ thi năm ngoái 1 điểm.
Trong kỳ thi Đánh giá tư duy đợt 2 do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức, Phong đạt số điểm 90,54. Em ở trong nhóm 4 thí sinh có số điểm cao nhất cả nước.
Bên cạnh đó, Trường THPT Chương Mỹ A còn có nữ sinh Phạm Mỹ Linh đạt 9,75 điểm ở bài thi ngữ văn. Đây là mức điểm cao nhất ở môn ngữ văn mà các thí sinh đạt được trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Trường THPT Chương Mỹ A là một ngôi trường nằm ở vùng ngoại thành Hà Nội. Năm học 2025-2026, điểm chuẩn vào lớp 10 của trường là 21 điểm, mức điểm không quá cao. Dù vậy, trong những năm trở lại đây, ngôi trường này hay có những “điểm sáng” xuất hiện trong các kỳ thi lớn.
Năm ngoái, cựu học sinh Nguyễn Mai Trúc của trường cũng giữ vị trí thủ khoa kỳ thi Đánh giá năng lực với điểm số 129/150, dẫn đầu cả 6 đợt thi của năm 2024.
Vậy điều gì khiến một "trường làng" có thể tạo nên những điểm sáng ấn tượng trong các kỳ thi quan trọng cấp quốc gia như vậy?

Nam sinh Nguyễn Duy Phong (Ảnh: NVCC).
Trước câu hỏi này, nam sinh Nguyễn Duy Phong - thủ khoa khối A00 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua - cho biết ngay từ khi còn học cấp II, em đã đặt mục tiêu thi đỗ vào Trường THPT Chương Mỹ A khi chuyển cấp.
Theo Phong, tại huyện Chương Mỹ, Trường THPT Chương Mỹ A có một dấu ấn đặc biệt đối với học sinh tại địa phương. Ngôi trường nổi tiếng với phong trào dạy và học sôi nổi.
Các thầy cô của trường luôn tâm huyết với nghề, quan tâm động viên học trò, tận tâm tận lực với công tác giảng dạy. Đây là một truyền thống quý báu đã của tập thể giáo viên nhà trường qua nhiều năm tháng.
Chính Phong trong quá trình học tập tại trường cũng cảm nhận được ngọn lửa nhiệt huyết yêu nghề của thầy cô. Cảm nhận được tình yêu nghề của thầy cô, đã có lúc chính em cũng từng mong muốn trở thành giáo viên.
Theo Phong, không khí dạy và học rất sôi động trong trường đã có động lực để em và các bạn học sinh khác cố gắng nhiều hơn.
Thực tế, trong những năm tháng cấp II, Phong chưa nghĩ mình có năng lực học tốt các môn khoa học tự nhiên, vì vậy, em đặt mục tiêu vừa sức, đó là thi đỗ vào Trường THPT Chương Mỹ A, bởi em cũng hy vọng bản thân sẽ có những năm tháng cấp III được học tập, rèn luyện một cách cân bằng, không học lệch.
Bên cạnh đó, cha mẹ và anh trai của Phong đều từng học tập tại ngôi trường này, đều từng là những học sinh giỏi của trường. Vì vậy, hành trình trưởng thành của em ngay từ nhỏ đã có sự gắn bó thân thương với Trường THPT Chương Mỹ A ngay từ những câu chuyện thường nhật trong gia đình.

Nữ sinh Phạm Mỹ Linh (Ảnh: NVCC).
Nữ sinh Phạm Mỹ Linh - cô học trò đạt 9,75 điểm văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua - cũng có suy nghĩ khá tương đồng với nam sinh Nguyễn Duy Phong. Theo Linh, sự phát triển của mỗi cá nhân trên con đường chinh phục tri thức có cả yếu tố khách quan và nội tại.
Trước hết, học giỏi ở một bộ môn nào đòi hỏi năng lực thế mạnh riêng của cá nhân người học, môi trường không quyết định hoàn toàn năng lực của một cá nhân. Dù vậy, môi trường lại có sức ảnh hưởng không nhỏ, có thể góp phần nâng đỡ cá nhân để đưa lại những kết quả bất ngờ.
Khi học tập tại Trường THPT Chương Mỹ A, Linh luôn cảm nhận được tình yêu thương, sự tâm lý, thái độ thân tình, cởi mở của thầy cô nhà trường dành cho học trò.
Các thầy cô đều nhiệt huyết với nghề và luôn sẵn sàng hỗ trợ học trò. Chuyện đã hết giờ học 30-40 phút, nhưng có lớp vẫn chưa tan, vì thầy và trò vẫn đang say mê theo đuổi một đề tài thú vị nào đó không phải chuyện hiếm gặp ở trường.
Nhà trường còn có định hướng phát triển toàn diện cho học sinh, để các em không chỉ học giỏi mà còn... chơi giỏi. Các câu lạc bộ học thuật, nghệ thuật, truyền thông... được mở ra rất đa dạng, phong phú, để mỗi học sinh đều có thể tìm được một vài câu lạc bộ phù hợp với mình và tham gia sinh hoạt.
Nhà trường hy vọng mỗi em sẽ tìm được những thú vui bổ ích và những nhóm bạn có cùng đam mê, sở thích, mối quan tâm với mình.
Bên cạnh đó, trường còn tiến hành kiểm tra đánh giá năng lực học sinh mỗi năm một lần để có sự điều chuyển lớp học cho học sinh, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu, nguyện vọng và năng lực của từng em trong những năm tháng cuối cấp.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền bên học trò (Ảnh: NVCC).
Theo cô giáo dạy toán Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên dạy toán của Trường THPT Chương Mỹ A, rất nhiều học sinh dành tình cảm đặc biệt cho trường.
Cô Hiền từng là giáo viên chủ nhiệm của nam sinh Nguyễn Duy Phong năm lớp 10 và nữ sinh Phạm Mỹ Linh năm lớp 12. Cô từng hỏi những bạn học sinh ưu tú nhất trong lớp của mình rằng, tại sao các em không chọn học ở những trường chuyên danh tiếng mà chọn học ở “trường làng” giản dị như Chương Mỹ A.
Các em đã trả lời cô rằng, các bạn yêu thích ngôi trường có bề dày lịch sử tồn tại hơn 60 năm này. Trường chú trọng giúp học sinh có cơ hội học đều, tránh học lệch, nên nhiều em muốn theo học tại đây, bởi các em sẽ có điều kiện tiếp tục khám phá năng lực và thiên hướng của bản thân trong những năm tháng cấp III.
Việc nhà trường định kỳ thường niên tiến hành đánh giá năng lực học sinh để sắp xếp lại các lớp giúp các em có điều kiện cọ sát, xác định được rõ ràng bộ môn thế mạnh của mình, tập trung ôn luyện và định hình được rõ ràng hướng đi cho bản thân.
Lòng yêu nghề, tình yêu thương dành cho học trò là một truyền thống đã có từ lâu của đội ngũ giáo viên nhà trường. Tinh thần dạy và học ở trường luôn sôi động, nhà trường cũng chú trọng xây dựng các hoạt động phong trào, hoạt động ngoại khóa bổ ích để học sinh có thêm cơ hội phát triển, rèn luyện bản thân.
Ngoài các câu lạc bộ đa dạng, trường còn có cuộc thi "Khát vọng CMA" với cách thức tổ chức tương tự như cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia".
"Khát vọng CMA" là sân chơi tri thức thu hút rất đông học sinh của trường tham gia, góp phần thúc đẩy phong trào học tập trong trường. Tính đến nay, cuộc thi đã đã đi qua 11 mùa giải và là một hoạt động phong trào sôi nổi, gắn liền với đời sống học đường của thầy trò nhà trường.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/bi-quyet-nao-giup-truong-lang-chuong-my-a-co-thu-khoa-thi-tot-nghiep-20250720071828314.htm
Bình luận (0)