Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 26/2025/TT-BYT quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại cơ sở khám, chữa bệnh. Tại khoản 8, điều 6 của thông tư này có sửa đổi về quy định số ngày sử dụng của mỗi thuốc trong đơn thuốc, trong đó có 252 loại bệnh thuộc 16 nhóm bệnh được kê đơn ngoại trú tối đa 90 ngày tùy vào tình trạng lâm sàng, mức độ ổn định của bệnh nhân. Việc điều chỉnh quy định này nhằm phù hợp với nhu cầu thực tiễn và giảm chi phí, thủ tục cho người bệnh.
Hơn 10 năm nay, bà Lê Thị Nhung, 60 tuổi, ngụ phường Vĩnh Thông, tỉnh An Giang đến Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang (cũ) lãnh thuốc uống 30 ngày/lần do mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp. “Mỗi lần tái khám, tôi phải đi từ rất sớm, khám bệnh xong lấy được thuốc cũng hết buổi sáng. Nếu tháng nào đến khám trễ, phải đợi qua buổi chiều, vì lượng bệnh nhân đông. Thông thường, tôi thấy bác sĩ hỏi có biểu hiện gì khác thường, nếu không thì cơ bản toa thuốc giống nhau. Tái khám lần này, bác sĩ nói sức khỏe tôi ổn định, nếu có nhu cầu thì có thể cấp thuốc uống đến 60 ngày, tôi rất mừng vì tiết kiệm được chi phí, thời gian đi lại và chờ khám bệnh” - bà Nhung nói.
Bệnh nhân đến khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang
Ngụ phường Rạch Giá (tỉnh An Giang), ông Trần Hoàng Nguyên chia sẻ: “Tôi mắc bệnh đái tháo đường, tim mạch hơn 10 năm nay, nên tháng nào cũng đến bệnh viện tái khám, lấy thuốc uống. Tuy nhà ở không xa bệnh viện, nhưng do lượng bệnh khám đông, mỗi lần khám phải xếp hàng, chờ đợi đến lượt khám rất lâu. Khi bác sĩ khám và đánh giá bệnh tôi ổn định, có thể cấp thuốc uống tối đa 90 ngày, tôi rất vui. Thời gian qua, tôi uống theo toa thuốc cũ, sức khỏe vẫn ổn định, có làm các xét nghiệm cũng từ 3 - 6 tháng mới làm 1 lần”.
Danh mục 252 bệnh có thể kê đơn thuốc kéo dài, không chỉ có các bệnh phổ biến như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, rối loạn lo âu, trầm cảm… mà còn mở rộng nhiều bệnh khác như viêm gan virus B mạn tính, HIV/AIDS, ung thư vú, ung thư tuyến giáp, suy tuyến giáp, suy tuyến yên, rối loạn nội tiết; các bệnh máu và miễn dịch như thalassemia, thiếu máu tan máu, xơ cứng cột bên teo cơ, parkinson, alzheimer, sa sút trí tuệ…
Theo bác sĩ Dương Ngọc Định, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khám, điều trị từ 1.500 - 2.000 bệnh nhân, trong đó bệnh mạn tính chiếm khoảng 60% như bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu… Do đó, việc kê toa thuốc kéo dài không chỉ giúp bệnh nhân giảm phiền hà, tiết kiệm chi phí đi lại, nhất là bệnh nhân ở xa bệnh viện, người lớn tuổi… mà còn giảm tải cho bệnh viện. Từ đó, bác sĩ có nhiều thời gian thăm khám và tư vấn kỹ cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, việc kê đơn thuốc kéo dài không được áp dụng đại trà, mà bác sĩ phải đánh giá đầy đủ tình trạng lâm sàng, tiên lượng bệnh ổn định mới được kê đơn thuốc kéo dài hơn 30 ngày. Bác sĩ Phạm Thị Như Hạnh, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang cho biết: “Khi kê đơn thuốc kéo dài 60 hoặc 90 ngày, bác sĩ có sự cân nhắc kỹ lưỡng, tùy vào tình hình sức khỏe của bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh nhân ổn định nhưng vẫn muốn tái khám sau 30 ngày uống thuốc, bác sĩ sẽ cấp thuốc theo yêu cầu của bệnh nhân. Đồng thời, bác sĩ luôn tư vấn cho bệnh nhân trong trường hợp thuốc chưa dùng hết nhưng bệnh nhân có những dấu hiệu bất thường, thì quay trở lại khám bất cứ lúc nào để được đánh giá, điều chỉnh đơn thuốc khi cần”.
Bác sĩ Dương Ngọc Định cho biết: “Việc kê đơn thuốc kéo dài được Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang thực hiện trong giai đoạn đại dịch COVID-19 nên các bác sĩ khoa khám bệnh đã có kinh nghiệm trong việc chẩn đoán và kê toa phù hợp với từng bệnh nhân. Từ ngày 1/7, bệnh viện đã thực hiện Thông tư 26/2025/TT-BYT linh hoạt, đảm bảo quyền lợi và sức khỏe của bệnh nhân”.
MI NI
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/benh-nhan-phan-khoi-duoc-ke-don-thuoc-keo-dai-a423895.html
Bình luận (0)