Báo và Phát thanh, Truyền hình Thái Nguyên thực hiện một chương trình livestream trực tuyến. |
Việc hợp nhất các cơ quan báo chí của tỉnh Thái Nguyên được triển khai theo đúng tinh thần các nghị quyết của Trung ương và Quyết định số 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Đây là một phần trong tổng thể các bước đi mạnh mẽ, quyết đoán nhưng thận trọng của Đảng, Nhà nước và các địa phương trong việc tái cấu trúc tổ chức hành chính, trong đó hợp nhất các đơn vị báo chí là yêu cầu tất yếu và lựa chọn chiến lược để thích ứng với thời kỳ chuyển đổi số, báo chí hội tụ và truyền thông đa nền tảng.
Trước thời điểm sáp nhập, hệ thống báo chí tại Thái Nguyên và Bắc Kạn có 6 cơ quan báo chí độc lập gồm: Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên, Báo Bắc Kạn, Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Kạn và Tạp chí Văn nghệ Ba Bể; tổng số có gần 30 phòng, đơn vị chuyên môn trực thuộc.
Mỗi đơn vị đều có ban lãnh đạo riêng, cơ cấu tổ chức và cơ sở vật chất riêng, nên không tránh khỏi sự chồng chéo về chức năng, phân tán nguồn lực và khó khăn phát triển theo hướng hiện đại, hội tụ.
Một cơ sở của Báo và Phát thanh, Truyền hình Thái Nguyên tại số 19, phố Nhị Quý, phường Phan Đình Phùng. |
Việc thành lập Báo và Phát thanh, Truyền hình Thái Nguyên đã giải quyết căn bản những tồn tại đó. Theo đề án được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên thông qua, cơ quan mới được tổ chức lại tinh gọn với 1 Ban Biên tập và 12 đầu mối trực thuộc (11 phòng chuyên môn và 1 nhà in).
Đồng thời, hơn 200 biên chế và 10 hợp đồng theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP được sắp xếp lại một cách khoa học, dựa trên năng lực, sở trường, vị trí việc làm phù hợp. Các tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Liên chi hội Nhà báo... được tái cơ cấu đồng bộ, đảm bảo hoạt động liên tục, không gián đoạn.
Điều đặc biệt đáng ghi nhận là quá trình chuẩn bị hợp nhất được tiến hành bài bản, dân chủ, công khai, với sự đồng thuận cao trong đội ngũ cán bộ, viên chức. Nhiều trường hợp trong biên chế đã tự nguyện đăng ký nghỉ việc, nghỉ hưu theo chính sách hỗ trợ; những người còn lại đều sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới, thể hiện bản lĩnh, trách nhiệm và tinh thần vì việc chung.
Cơ quan hợp nhất sẽ hoạt động đa nền tảng, đa ngôn ngữ, đa loại hình báo chí, gồm: báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình; đồng thời duy trì các ấn phẩm chuyên đề như: Văn nghệ, Miền núi - Vùng cao, các chương trình bằng tiếng dân tộc (Tày, Mông, Dao...), kênh nội dung trên nền tảng số và mạng xã hội, nhằm giữ vững bản sắc văn hóa vùng miền và phục vụ hiệu quả nhu cầu thông tin của đông đảo tầng lớp nhân dân.
Các phóng viên tác nghiệp tại cơ sở. |
Một trong những đột phá của mô hình hợp nhất là kết nối được toàn bộ các loại hình báo chí vốn trước đây hoạt động biệt lập. Sự liên thông này giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nội dung, rút ngắn quy trình, giảm chi phí, đồng thời phát huy tối đa năng lực đội ngũ nhà báo, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý.
Việc tích hợp hạ tầng kỹ thuật, chuẩn hóa quy trình vận hành, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và phát triển nền tảng số báo chí hội tụ là bước đi quan trọng, tạo nền tảng để Báo và Phát thanh, Truyền hình Thái Nguyên từng bước thực hiện cơ chế tự chủ tài chính; đồng thời triển khai hiệu quả mô hình đặt hàng báo chí, cung cấp dịch vụ truyền thông và phát triển các sản phẩm truyền thông số.
|
||
Không chỉ là kênh thông tin thiết yếu, cơ quan mới còn đóng vai trò trung tâm trong công tác định hướng dư luận xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tích cực giám sát, phát hiện, phản biện, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các biểu hiện tiêu cực; phát hiện, cổ vũ điển hình tiên tiến, góp phần lan tỏa niềm tin, khát vọng phát triển trong xã hội.
Báo và Phát thanh, Truyền hình Thái Nguyên có nhiệm vụ xây dựng cơ quan vững mạnh, chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại; xây dựng đội ngũ viên chức và người lao động có lập trường, tư tưởng vững vàng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp trong sáng.
Trong bối cảnh truyền thông đang chứng kiến sự cạnh tranh mạnh mẽ từ mạng xã hội và các nền tảng xuyên biên giới, thì việc xây dựng một cơ quan báo chí mạnh, chủ lực, có tầm nhìn dài hạn chính là tiền đề để Báo và Phát thanh, truyền hình Thái Nguyên giữ vững vai trò dẫn dắt, là tiếng nói chính thống, chính danh trong lòng nhân dân.
Phóng viên Báo và Phát thanh, Truyền hình Thái Nguyên tác nghiệp trên hành trình công tác tại quần đảo Trường Sa. |
Việc tiếp tục duy trì 5 trụ sở làm việc tại Thái Nguyên và Bắc Kạn (cũ), trong điều kiện chưa thể tập trung ngay về một đầu mối, cho thấy sự linh hoạt, thực tế, đảm bảo duy trì nhịp độ sản xuất và phát sóng ổn định. Đồng thời, đây cũng là tiền đề để mở rộng mạng lưới cộng tác viên, phóng viên thường trú, tăng khả năng phản ánh thông tin đa chiều từ cơ sở.
In ấn các ấn phẩm báo chí tại Nhà in Báo và Phát thanh, Truyền hình Thái Nguyên. |
Trong kỷ nguyên chuyển đổi số và truyền thông hội tụ, những đổi mới mang tính cấu trúc như việc hợp nhất các cơ quan báo chí sẽ đáp ứng yêu cầu cải cách bộ máy và sự chuẩn bị cho một sứ mệnh mới là trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện, chuyên nghiệp, nhân văn và có khả năng ảnh hưởng sâu rộng trong vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Báo và Phát thanh, Truyền hình Thái Nguyên với cơ cấu mới, nhiệm vụ mới và tầm vóc mới sẽ là một tổ hợp truyền thông mạnh, thực hiện xuất sắc vai trò định hướng, phản ánh, cổ vũ và dẫn dắt dư luận, phục vụ đắc lực cho mục tiêu xây dựng tỉnh Thái Nguyên hiện đại, bản sắc, thịnh vượng.
Các đơn vị trực thuộc Báo và Phát thanh, Truyền hình Thái Nguyên, gồm: Phòng Thời sự; Phòng Chuyên đề - Dân tộc; Phòng Thông tin đối ngoại; Phòng Văn nghệ và Giải trí; Phòng Thư ký biên tập; Phòng Biên tập phát thanh - truyền hình; Phòng Biên tập báo in - báo điện tử; Phòng Nội dung số; Phòng Kỹ thuật sản xuất và Truyền dẫn; Phòng Dữ liệu và Hạ tầng số; Văn phòng; Nhà in. |
Nguồn: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202507/bao-va-phat-thanh-truyen-hinh-thai-nguyen-hoi-tu-nen-tang-dong-long-khat-vong-78e1e1c/
Bình luận (0)