Đợt mưa lớn xảy ra từ đêm 10-6 đến ngày 13-6 gây ngập nước cục bộ trong đô thị, ngập lụt các vùng trũng thấp và lũ, lũ quét trên các sông thuộc thành phố Đà Nẵng do ảnh hưởng của bão số 1 (Wutip) được xem là lời cảnh tỉnh về sự bất thường, dị thường của thời tiết và thiên tai dưới tác động của biến đổi khí hậu.
Lượng mưa đo được trong ngày 12-6-2025 tại trạm Đà Nẵng (đường Trưng Nữ Vương) đến 402,3mm, cao gần gấp đôi giá trị lịch sử lượng mưa cao nhất ngày trong tháng 5 và 6 của năm 1979 (212,4mm).
Do mưa lớn cục bộ từng đợt, lũ trên sông Nam và sông Bắc (thượng nguồn sông Cu Đê) bắt đầu dâng lên nhanh từ chiều 11-6 và 3 lần xuất hiện đỉnh lũ tại cầu Tà Lang - Giàn Bí vào ngày 12-6 với mức 15,48m (lúc 1 giờ 30 phút, cao hơn thời điểm xuất hiện lũ khoảng 6m), 13,8m (lúc 7 giờ) và 14,11m (lúc 21 giờ 30 phút).
Theo Trung tâm quản lý hạ tầng đô thị Đà Nẵng (Sở Xây dựng), lúc 17 giờ ngày 11-6, khi mực nước ở thượng lưu đập dâng Nam Mỹ lên gần mức 8m, đơn vị đã gửi thông báo đến chính quyền địa phương và nhắn tin trong nhóm trao đổi trên mạng xã hội zalo có 32 thành viên ở vùng hạ lưu đập dâng về việc mở cửa van (kéo cửa van lên) lúc 21 giờ cùng ngày để thoát lũ. Đơn vị đã thông báo sớm hơn 3 giờ so với quy định của quy trình vận hành; phát tín hiệu cảnh báo bằng hệ thống loa (còi báo lũ) 4 lần. 12 cửa van được kéo lên từ 21 giờ ngày 11-6 đến 1 giờ 20 ngày 12-6.
Qua công tác ứng phó mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 1, Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị Đà Nẵng thực hiện theo quy trình vận hành đập dâng Nam Mỹ và phối hợp (thông báo) kịp thời cho chính quyền địa phương, các đơn vị nằm trong vùng ảnh hưởng. Theo ghi nhận, khoảng 1 giờ ngày 12-6, khi 12 cửa van của đập dâng Nam Mỹ được kéo lên, lũ cũng bắt đầu dâng lên ngập đường ở thôn Lộc Mỹ và thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc.
Theo một số chuyên gia, nhà khoa học, sông Cu Đê thường xuất hiện lũ quét dâng lên nhanh và nguy hiểm. Tuy đập dâng Nam Mỹ không có chức năng cắt, giảm và điều tiết lũ nhưng thực tế đã làm chậm lũ cho hạ du trong một vài giờ (thời gian trước và trong khi kéo 12 cửa van lên để thoát lũ) để các đơn vị, doanh nghiệp và người dân ở hạ du có thời gian triển khai ứng phó với lũ quét.
Để bảo đảm an toàn đập và hạ du khi có lũ quét, TS. Lê Hùng, giảng viên Khoa xây dựng công trình thủy, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng khuyến nghị, khi thấy mưa lớn và mực nước tại thượng lưu đập dâng Nam Mỹ dâng lên mức 8m, đơn vị quản lý, vận hành đập cần kéo các cửa van lên sớm để lũ thoát nhanh.
Đợt mưa lớn vừa qua cũng làm hầu hết các hồ chứa nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đầy nước, riêng mực nước hồ Hòa Trung dâng cao hơn ngưỡng tràn đến 0,4m, nguy cơ cao mất an toàn các hồ chứa.
Trưởng phòng Thủy lợi và phòng chống thiên tai, Chi cục Quản lý tài nguyên nước và thủy lợi (Sở Nông Nghiệp và Môi trường) Hồ Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, trong quá trình theo dõi, kiểm tra và giám sát các đập, hồ chứa nước trên địa bàn thành phố, đơn vị ghi nhận một số kết quả tích cực, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại và thách thức.
Để nâng cao hiệu quả công tác vận hành, bảo đảm an toàn hồ, đập, thành phố tăng cường kiểm tra định kỳ và đột xuất các công trình hồ, đập để kịp thời phát hiện và khắc phục các hư hỏng; đẩy mạnh đầu tư sửa chữa, nâng cấp các hồ, đập đã xuống cấp nhằm bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão.
Đồng thời, xây dựng hệ thống giám sát tự động đối với các công trình hồ, đập quan trọng để kịp thời phát hiện nguy cơ sự cố; tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ quản lý và vận hành; hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước để nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới trong giám sát và quản lý hồ, đập.
Cùng với đó, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm về lũ lụt và điều tiết nước hợp lý để giảm thiểu thiệt hại; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và đơn vị vận hành hồ, đập...
“Công tác bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước không chỉ là yêu cầu chuyên môn kỹ thuật, mà còn là nhiệm vụ chính trị quan trọng gắn liền với an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và sự phát triển bền vững của thành phố. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, liên tục giữa các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư cũng như sự hỗ trợ của các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, góp phần bảo đảm an toàn, linh hoạt và thích ứng hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu”, ông Hồ Nguyễn Quốc Dũng nói.
Nguồn: https://baodanang.vn/bao-dam-an-toan-ho-dap-truoc-mua-mua-lu-3264848.html
Bình luận (0)