
Đầu tháng 7, bác sĩ Hoài Anh háo hức chờ đón chiếc cúp "Nhiếp ảnh ẩm thực thế giới 2025" từ Vương quốc Anh chuyển về Việt Nam. Là người Việt duy nhất được vinh danh tại cuộc thi năm nay ở hạng mục "Những món ăn gắn với lễ hội, kỷ niệm", tác phẩm của anh đã vượt qua 10.000 bài dự thi từ 70 quốc gia để trở thành một trong 20 tác phẩm xuất sắc trưng bày tại Mall Galleries, London.
"Tôi thực sự bất ngờ và hạnh phúc", anh chia sẻ hôm 3/7.
"Bánh hỏi" được chụp trong chuyến đi Phan Thiết cùng gia đình dịp lễ 30/4. Trong hơn một giờ buổi trưa, anh kiên nhẫn ghi lại khoảnh khắc người đàn ông mình trần chuẩn bị món ăn truyền thống thường xuất hiện trong các dịp lễ, giỗ, cưới hỏi tại nhiều vùng miền Việt Nam. Bức ảnh thuộc bộ "Nắng và Khói" - tác phẩm anh dành nhiều tâm huyết thực hiện để tưởng nhớ bà ngoại đã mất gần một năm qua, ghi lại những khoảnh khắc ánh nắng xuyên qua làn khói mong manh, mờ ảo.
"Tôi ngồi quan sát các cô chú làm việc tại lò bánh rồi canh khoảnh khắc để bấm máy, hoàn toàn tự nhiên không sắp đặt. Ánh nắng ban trưa từ tấm mành che tạo nên khung cảnh lao động đẹp và lắng đọng", anh kể.
Trong lời giới thiệu tác phẩm, Hoài Anh tâm sự không nhớ rõ những dấu mốc tưởng chừng quan trọng như ngày đậu vào Trường THPT chuyên Quốc học Huế, ngày hoàn thành chương trình đại học hay lúc nhận bằng thạc sĩ y khoa. Thay vào đó, anh nhớ "rõ ràng và nguyên vẹn nhất ký ức những buổi sớm mai ngồi cạnh bà ngoại, nhìn bà nhóm lửa trong căn bếp mái tôn tràn ngập nắng và khói" ở Huế.
Trước "Bánh hỏi", danh sách thành tích của anh đã ghi nhận nhiều giải thưởng ấn tượng như giải nhất - Tác giả triển vọng Noirfotocontest 2024, Giải bạc Prix de la Photographie 2023, giải ba hạng mục Ảnh chụp con người The Chromatic Photography Awards, giải khuyến khích The Monochrome Photography Awards và giải đồng Prix de la Photographie 2022.
Đáng nhớ nhất là bức "Chạng vạng" đoạt giải ba cuộc thi ảnh màu quốc tế. Tác phẩm ra đời sau khi anh thức dậy từ 4 giờ sáng để săn mây ở Đà Lạt nhưng thất bại, rồi vô tình bắt gặp khoảnh khắc người lao động hái trà trong ánh sáng mờ ảo lúc rạng sáng.
Là người yêu văn chương với nhiều truyện ngắn đã đăng báo và giải thưởng văn học thời sinh viên, Hoài Anh tìm đến nhiếp ảnh khi bắt đầu sự nghiệp y khoa tại Bệnh viện TP Thủ Đức. Xuất phát từ tình yêu nghệ thuật, anh khởi đầu với chiếc điện thoại mua từ những đồng lương đầu tiên, sau đó nâng cấp lên máy ảnh chuyên nghiệp và tự học thêm kiến thức trên mạng. Nhiếp ảnh đã trở thành liều thuốc cân bằng cuộc sống sau những giờ làm việc căng thẳng, áp lực níu giữ sinh mạng bệnh nhân giữa lằn ranh sinh tử.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu trước khi chuyển sang Khoa Tai Mũi Họng, bác sĩ nhận ra sự tương phản ý nghĩa trong cuộc sống. Đó là hằng ngày tiếp xúc với những người đang ốm đau, còn khi cầm máy ảnh lại hòa mình vào niềm vui của những người khỏe mạnh, hăng say lao động. Qua ống kính, anh nhận thấy yêu - ghét, vui - buồn đều là những trải nghiệm của đời người.
"Cùng một khung hình, khi vui sẽ thấy cảnh bình minh rực rỡ, còn khi buồn sẽ trở thành hoàng hôn não nề. Những cảm xúc chân thật trong từng phút giây chính là điều đáng quý nhất", anh chiêm nghiệm.
Nghề y đã rèn luyện cho Hoài Anh khả năng quan sát nhạy bén - yếu tố then chốt trong nhiếp ảnh. Tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ phải chú ý từ sắc mặt, nhịp thở đến tri giác để phán đoán kịp thời. Mới đây, anh đã phát hiện một trường hợp ung thư đường mật khi nhận ra làn da vàng bất thường của bệnh nhân chỉ đến khám vì đau họng. Tương tự trong nhiếp ảnh, anh phải nhận ra đâu là góc đẹp, bố cục hài hòa, ánh sáng và chất liệu có thể khơi gợi cảm xúc người xem.
Qua 9 bộ ảnh đã thực hiện, bác sĩ nhiếp ảnh gia dần tìm thấy bản ngã và thể hiện được những ý niệm sâu sắc. "Ngọn đèn hiu hắt" giúp anh tìm kiếm sự bình yên trong nỗi buồn từ ánh sáng phảng phất giữa không gian rộng lớn. "Người đi giữa ánh sáng" khai thác cảm xúc thiền qua những con đường mòn trong rừng với tia nắng soi rọi tầng sâu tâm hồn giữa không gian tĩnh lặng.
Hiện, anh hướng đến mảng trừu tượng với bộ ảnh về sự mất dấu của con người giữa nhịp sống đô thị, sử dụng kỹ thuật phơi sáng dài. Trong dòng người hối hả ấy, từ giáo sư, doanh nhân, nghệ sĩ đến người lang bạt đều bị cuốn trôi theo dòng chảy vô hình, không có sự phân biệt - phản ánh quy luật trăm năm của kiếp người.
"Hành nghề y chữa lành cơ thể, giúp người bệnh đỡ đớn đau, làm nghệ thuật chữa lành tâm hồn. Đó là điểm chung lớn nhất của hai lĩnh vực tôi theo đuổi. Cả hai đều hướng đến lối sống tích cực, nhắc nhở bản thân phải sống tốt, giúp đỡ mọi người nhiều hơn", bác sĩ tâm sự.
HQ (theo VnExpress)Nguồn: https://baohaiphongplus.vn/bac-si-o-tp-ho-chi-minh-thang-giai-nhiep-anh-the-gioi-415556.html
Bình luận (0)