|
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Jean Sainteny - đại diện Chính phủ Pháp và tướng Philippe Leclerc - Trưởng phái đoàn quân sự Pháp, đến chào Người tại Bắc Bộ Phủ, tháng 3/1946. (Nguồn Bảo tàng Hồ Chí Minh) |
Trong giai đoạn 1945 - 1973, ngoại giao Việt Nam có ba giai đoạn lịch sử trọng đại, trong đó, ngoại giao có vai trò rất quan trọng: 1945-1946 tránh xung đột với quân Quốc dân đảng Trung Hoa (quân Tưởng Giới Thạch) và quân Pháp, giữ vững chính quyền cách mạng và tranh thủ thời gian để chuẩn bị kháng chiến chống Pháp; 5/1954-7/1954: Hội nghị Geneva về lập lại hòa bình ở Đông Dương và; 1967-1973: Hội nghị Paris.
Giai đoạn 1945 - 1946
Ngay sau Cách mạng tháng Tám, 20 vạn quân Quốc dân đảng Trung Hoa vào miền Bắc, quân Pháp quay lại gây hấn và đánh chiếm Nam Bộ. Giữa Quốc dân đảng Trung Hoa và Pháp có mâu thuẫn về lợi ích, trong nội bộ quân Pháp và quân Tưởng cũng có mâu thuẫn. Nhưng chúng có mục tiêu chung là tiêu diệt chính quyền cách mạng non trẻ của ta. Pháp quyết tâm phục hồi chế độ thực dân ở Việt Nam và Đông Dương. Các tướng lĩnh cầm đầu quân quân Tưởng vào Việt Nam nhằm “diệt cộng, cầm Hồ”, tiêu diệt cộng sản, bắt Hồ Chí Minh.
Lúc này, Bác là Chủ tịch nước đồng thời là Bộ trưởng ngoại giao. Trong khi bộ máy nhà nước còn rất đơn sơ, rất thiếu cán bộ, công việc lại rất mới, hầu hết các hoạt động ngoại giao của Đảng và Chính phủ đều do Người chỉ đạo và trực tiếp thực hiện.
Ngày 25/11/1945, trước tình thế quân Tưởng và bè lũ tay sai ở miền bắc gia tăng o ép, quân Pháp tấn công ào ạt ở miền nam, Bác và Ban thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị, xác định: kẻ thù chính là thực dân Pháp xâm lược, nhiệm vụ quan trọng nhất là củng cố chính quyền, chống xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân, “Về ngoại giao, kiên trì chủ trương ngoại giao với các nước trên nguyên tắc “bình đẳng tương trợ”. Phải đặc biệt chú ý… là làm cho nước mình ít kẻ thù hơn hết và nhiều bạn đồng minh hơn hết… Đối với Tàu, vẫn chủ trương Hoa Việt thân thiện, coi Hoa kiều như dân tối huệ quốc; đối với Pháp, độc lập về chính trị, nhân nhượng về kinh tế” [1].
Đập tan âm mưu “diệt cộng cầm Hồ”
Ngày 11/9/1945, Tiêu Văn, tướng chỉ huy quân Tưởng, đến Hà Nội, thấy chính quyền cách mạng đã thành lập, y tuyên bố: “Hồ Chí Minh thập đại tội”. Bác vẫn chủ động đến thăm y. Bản lĩnh, trí tuệ và nghệ thuật ngoại giao của Bác đã tác động mạnh đến y. Một nhà sử học Pháp viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Tiêu Văn đã đạt được sự hòa hoãn với quân Tàu, chặn đứng cú đầu tiên của quân Tàu định lật đổ Chính phủ lâm thời, điều này làm cho bọn “Việt quốc” và “Việt cách” [2] hoang mang, chập chững” [3].
Ngày 23/9/1945, Bác chủ động đến gặp Lư Hán, cũng là tướng chỉ huy quân Tưởng. Hiểu rõ mâu thuẫn trong nội bộ quân Tưởng và tâm lý ghét Pháp của Lư Hán, Bác đã làm cho Lư Hán phải suy nghĩ về tình thế của bản thân mình, hứa sẽ không can thiệp nếu ta duy trì được trật tự, an ninh, không ủng hộ quá mức bọn “Việt quốc”, “Việt cách”.
Bên cạnh việc tiếp xúc, cảm hóa các tướng lĩnh quân Tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động quần chúng biểu dương lực lượng, thị uy. Ngày 3/10/1945, Hà Ứng Khâm, Tổng tham mưu trưởng quân Quốc dân đảng Trung Hoa cùng tướng Robert A. McClure, chỉ huy quân đội Mỹ ở Trung Quốc vào Hà Nội, ta tổ chức cuộc diễu hành lớn để hoan nghênh phái bộ Đồng minh. Ba chục vạn người có tổ chức chặt chẽ, diễu hành qua Phủ toàn quyền cũ, hô vang khẩu hiệu: “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Ủng hộ Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”, “Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh”…[4]
Bác cũng chú trọng đến việc tranh thủ quân Tưởng. Người chỉ thị cho cán bộ ngoại giao cần có đối sách thích hợp với từng loại. Với các tướng lĩnh cấp cao, Bác tạo cho họ cơ hội thực hiện các lợi ích cá nhân, nắm được nhược điểm của họ là ham tiền, ta đã làm cho họ có được rất nhiều tiền mà ta không mất xu nào [5].
Như vậy, với ba nhóm biện pháp chính, biểu dương lực lượng cách mạng, chủ đột tiến công, lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù và tạo điều kiện cho đối phương thỏa mãn các lợi ích vật chất, Bác đã chỉ đạo và trực tiếp đập tan âm mưu “diệt cộng cầm Hồ” của quân Tưởng và bọn tay sai.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ lâm thời sau phiên họp Chính phủ đầu tiên, ngày 3/9/1945. (Nguồn: Chinhphu.vn) |
Hòa với Tưởng để giữ chính quyền và kháng Pháp
Nhận định rằng, quân Tưởng phải đối phó với Đảng Cộng sản Trung Quốc nên không thể nuôi tham vọng chiếm lãnh thổ Việt Nam, chúng muốn các lợi ích kinh tế, mưu toan sử dụng việc chiếm đóng phía bắc nước ta để ép Pháp nhân nhượng một số lợi ích kinh tế, chính trị, đẩy Pháp đối đầu với chính phủ ta, Bác và Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương hòa hoãn với Tưởng, khôn khéo tránh xung đột, thực hiện khẩu hiệu “Hoa - Việt thân thiện”.
Không có tham vọng chiếm lãnh thổ nhưng quân Tưởng vẫn hỗ trợ mạnh mẽ các lực lượng tay sai. Nguyễn Hải Thần, đứng đầu các nhóm này, đưa ra yêu sách rất cao trong đàm phán thành lập Chính phủ liên hiệp. Bác đã phải dùng những biện pháp rất quyết liệt. Đảng cộng sản Đông dương tuyên bố tự giải tán (thực chất là rút vào bí mật). Một số bộ trưởng đại diện Việt Minh trong Chính phủ lầm thời phải tự nguyện rút lui để nhường chỗ cho đại diện các đảng phái khác… Bác cũng chấp nhận dành 70 ghế (trong tổng số 350 ghế của Quốc hội) cho “Việt quốc”, “Việt cách” mà không qua tổng tuyển cử; Nguyễn Hải Thần giữ chức Phó chủ tịch nước, “Việt quốc”, “Việt cách” có ghế ở Bộ Ngoại giao, kinh tế… trong Chính phủ liên hiệp.
Bác cũng đáp ứng yêu cầu của quân Tưởng, cung cấp lương thực cho họ, nhưng có mức độ và nguyên tắc rõ ràng. Nói chuyện với Hội nghị ngoại giao năm 1964, Bác kể: Bác và Nguyễn Mạnh Hà, lúc đó là Bộ trưởng Kinh tế, đến gặp Tiêu Văn. Nó đòi Bác phải cung cấp đủ số lương thực nó yêu cầu. Bác trả lời: dân nước chúng tôi đang bị chết đói, cung cấp như thế là hết sức rồi, không thể hơn được nữa. Trả lời cứng như thế rồi nó cũng phải thôi [6].
Để hòa với quân Tưởng, có lúc Bác đã phải hết sức kiềm chế. Khi Bác và cụ Huỳnh Thúc Kháng, lúc đó là Bộ trưởng nội vụ, lên gặp Lư Hán. Hắn lên mặt hạch sách hơn một tiếng đồng hồ. Lúc ra về, cụ Huỳnh nói: “Nó khinh mình quá lắm, không chịu nổi nữa, cứ đánh đi rồi muốn ra sao thì ra!”. Bác phải nói riêng với cụ: “Nay trong nước ta có 20 vạn quân Quốc dân đảng Trung Hoa, lại còn một số Việt Nam quốc dân đảng sẵn sàng cướp chính quyền, ta cần tranh thủ thời gian củng cố chính quyền, rồi thế nào nữa sau rồi sẽ liệu. Bây giờ phải làm chính sách “Câu Tiễn” đã [7].
Với những kế sách trên đây, ta đã hòa được với Tưởng và vô hiệu hóa bọn tay sai của chúng. Đầu tháng 12 năm 1945, Tưởng Giới Thạch tuyên bố sẽ rút quân khỏi Đông Dương để tập trung đối phó với Đảng cộng sản Trung Quốc. Nhưng Tưởng vẫn muốn "dây dưa" để buộc Pháp phải nhượng bộ về quyền lợi.
Hòa với Pháp để đuổi Tưởng
Ngày 28/2/1946, Hiệp định Hoa - Pháp được ký kết. Theo đó, Pháp được quyền thay quân Tưởng ở miền bắc Đông Dương, Pháp trao lại cho Tưởng các tô giới ở Thượng Hải, Thiên Tân, Hán Khẩu, Quảng Đông…chấp nhận yêu cầu của Tưởng về việc biến Hải Phòng thành cảng tự do, hàng hóa của Tưởng vận chuyển qua miền bắc Việt Nam được miễn thuế. Để việc thay quân diễn ra một cách êm thấm, Pháp muốn đạt được một thỏa thuận với Việt Nam, tránh các xung đột quân sự với quân Tưởng và quân ta. Nhưng các lực lượng Việt Nam quốc dân đảng lại âm mưu kích động dân chúng đứng lên chống Pháp nhằm đẩy chính quyền cách mạnh vào thế đối đầu với cả Tưởng và Pháp. Nội bộ ta cũng có ý kiến đề nghị quyết đánh hoặc rút về chiến khu, tổ chức đánh du kích lâu dài.
Với phương châm: Không đánh tay 5 tay 6 với lũ cướp nước và bán nước, Bác và Thường vụ Trung ương Đảng quyết định: Hòa với Pháp để đẩy quân Tưởng rút khỏi Việt Nam theo tinh thần Hiệp ước Hoa - Pháp. Tưởng rút thì bọn Việt gian cũng phải rút theo. Hòa với Pháp còn để tranh thủ thời gian chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu chống Pháp. Theo đó, Bác đã chỉ đạo sát sao các cuộc tiếp xúc giữa ta và Pháp. Đồng thời, đích thân Bác giao thiệp với phía Pháp và ra các quyết định chiến lược.
Trong 3 ngày 1-3/2/1946, đại diện Việt Nam dân chủ cộng hòa và đại diện Cộng hòa Pháp họp bí mật. Không có tiến triển vì Pháp nhất quyết không công nhận quyền độc lập và thống nhất của Việt Nam. Ngày 5/3/1946, hạm đội Pháp ra tới vịnh Bắc Bộ. Tướng chỉ huy quân Tưởng tuyên bố, khi chưa có Hiệp định Việt - Pháp, nếu quân Pháp đổ bộ vào Hải Phòng thì quân Tưởng sẽ bắn. Quân và dân Hải Phòng đã ở trong tư thế sẵn sàng đánh Pháp. Bọn “Việt quốc” âm mưu đánh lén để châm ngòi nổ chiến tranh.
Tối ngày 5/3/1946, đại diện quân Tưởng đến gặp Bác và lần đầu tiên nói rõ: nếu ta ký hiệp ước với Pháp thì chúng ủng hộ. Đại diện Tưởng vừa về thì đại diện Pháp tới liền, tỏ mong muốn đạt được thỏa thuận với ta ngay trong tối hôm đó. Bác nhận định, giữa Tưởng và Pháp chắc vừa có chuyện nhưng chúng đã giàn xếp được với nhau. Thời cơ đã đến, ta tiếp tục thảo luận với Pháp tới 2 giờ sáng, đòi Pháp phải công nhận độc lập của Việt Nam, thừa nhận những quyết định của cuộc trưng cầu dân ý về sự thống nhất của ba kỳ. Pháp không đồng ý về vấn đề độc lập. Bác tuyên bố nghỉ, hôm sau bàn tiếp.
Sáng sớm ngày 6/3/1946, chiếc tàu đổ bộ đầu tiên của Pháp tiến vào cửa sông Cấm thì quân Tưởng nổ súng, quân Pháp bắn lại, một kho vũ khí của quân Tưởng bốc cháy, hai bên đều thiệt hại. Ở Hà nội, Tưởng giục ta thỏa thuận với Pháp. Quân Pháp cũng nôn nóng. Tình hình diễn biến nhanh. Nếu ta không thỏa thuận, có thể Pháp và Tưởng sẽ thỏa hiệp vì cả hai bên đều không muốn xung đột. Nếu ta không thỏa thuận, Pháp và quân dân ta sẽ xung đột trực tiếp với nhau.
Trước tình thế đó, Bác đưa ra ý kiến: Một bản Hiệp định sơ bộ có thể được ký kết nếu Pháp công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do. Phía Pháp chấp nhận và đề nghị Bác đại diện cho nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ký vào bản Hiệp định. Bác đồng ý nhưng yêu cầu, phải có thêm chữ ký của đại diện nhóm Quốc dân đảng với danh nghĩa thay mặt Hội đồng chính phủ, trong lễ ký, phải có sự chứng kiến của Bộ tư lệnh quân Tưởng ở bắc Đông Dương, phái bộ Mỹ và lãnh sự Anh và ông Louis Capet (Bác nói Bác coi ông ấy là đại diện của nhân dân Pháp). Phía Pháp chấp nhận.
Hiệp định chấp nhận 15.000 quân Pháp chiếm đóng trong 5 năm để đổi lấy việc đẩy 20 vạn quân Tưởng và bọn tay sai ra khỏi Việt Nam, tạo điều kiện để ta tiếp tục đàm phán với Pháp. Đồng thời tranh thủ được thời gian để tăng cường và củng cố lực lượng kháng chiến ở miền nam, chuẩn bị lực lượng cho kháng chiến ở miền bắc.
Một tuần sau khi Hiệp định được ký kết, Tưởng công bố bắt đầu rút quân từ 15/3 và kết thúc vào ngày 31/3/1946 (trên thực tế, 18/9/1946 mới rút hết).
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Jean Sainteny nghe đọc nội dung bản Hiệp định sơ bộ trước khi ký kết chính thức, ngày 6/3/1946. (Ảnh tư liệu) |
Kéo dài hòa hoãn với Pháp để chuẩn bị kháng chiến
Ngay sau khi Hiệp định sơ bộ được ký kết, Bác chỉ đạo nhiều biện pháp để thúc đẩy Pháp mở đàm phán chính thức để kéo dài hòa hoãn. Về địa điểm, mục tiêu của ta là Paris để có thể mở ra cuộc đấu tranh chính trị, ngoại giao, dư luận ngay trong lòng nước Pháp, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới, đặc biệt là nhân dân Pháp. Ngày 13/3/1946, Bác gửi thông điệp yêu cầu phía Pháp mở ngay cuộc đàm phán chính thức, đồng viết thư gửi đồng bào cả nước, các chính phủ và nhân dân thế giới, tố cáo phía Pháp có những hành động trái với tinh thần Hiệp định.
Ngày 14/3/1946, mười vạn nhân dân Hà Nội mít tinh đòi Pháp đình chỉ các hành động xâm lược và mở ngay đàm phán chính thức tại Paris. Bác cũng gặp Georges Thierry d'Argenlieu, Cao ủy Pháp, kiên trì đấu tranh bảo vệ lập trường của ta, đồng thời, khéo léo lợi dụng mâu thuẫn giữa Georges Thierry d'Argenlieu với Jean Sainteny, đại diện chính phủ Pháp ở bắc Đông Dương và Philippe Leclerc, Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương. Phía Pháp chấp nhận tổ chức đàm phán chính thức tại Pháp vào cuối tháng 5/1946.
Ngày 16/4/1946, phái đoàn Quốc hội ta do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu lên đường sang Pháp để đàm phán chính thức với chính phủ Pháp tại Fontainebleau. Ngày 31/5/1946, Bác đi thăm Pháp chính thức để trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh ngoại giao của ta, đồng thời “…đề cao nước Việt Nam, tranh thủ cảm tình của nhân dân Pháp và thế giới” [8]. Đến Pháp, Bác đã tiếp xúc rộng rãi với nhân dân, giới báo chí Pháp và nước ngoài, giới thương nhân, với kiều bào ta tại Pháp và chính giới Pháp, làm cho họ hiểu rõ tình hình Việt Nam, quyết tâm của nhân dân Việt Nam đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước.
Song song với việc chỉ đạo sát sao cuộc đấu tranh ngoại giao của ta, ngày 22/7/1946, Bác đã gửi thư cho Marius Moutet, Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại, tháng 8/1946, Bác gửi thư cho Georges Bidault, Thủ tướng Pháp, nêu rõ yêu cầu của ta và phân tích rõ lợi hại của Pháp nếu không đáp ứng các yêu cầu đó. Khi Hội nghị bế tắc, phải tạm dừng vào ngày 1/8/1946, Bác vẫn tiếp tục thảo luận trực tiếp với Georges Bidault và Marius Moutet, cố gắng để Hội nghị được nối lại. Chiều 10/9/1946. Hội nghị họp lại, vẫn không đạt được kết quả do phía Pháp cố tình phá hoại, đưa ra nhiều yêu sách mà ta không thể chấp nhận được.
Chiều 13/9/1946, Phái đoàn ta rời Pháp về nước. Trước tình thế cực kỳ nghiêm trọng: nếu không có thỏa thuận, chiến tranh có thể nổ ra ngay, Bác và đoàn ta cũng có thể gặp nguy hiểm trên đưởng trở về Tổ quốc, Bác đã quyết định nhượng bộ. Ngày 14/9/1946, Bác gặp lại Georges Bidault và Marius Moutet. Đêm đó, Bác cùng Marius Moutet và Jean Sainteny xét từng điều khoản của bản dự thảo và ký với Marius Moutet bản Tạm ước Việt - Pháp ngày 14/9/1946. Đây là sự lựa chọn cần thiết và duy nhất đúng khi tình hình hết sức căng thẳng, ta có thêm thời gian đến chuẩn bị kháng chiến, đồng thời giành thêm sự ủng hộ của nhân dân Pháp và nhân dân thế giới[9]. Sau khi ký Tạm ước, Bác yêu cầu Chính phủ Pháp thu xếp để Người về nước bằng đường biển.
[1] Văn kiện lịch sử Đảng, HVCT QG HCM, tập IV, trang 10. 11
[2] Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Nam Cách mạng đảng, hai lực lượng người Việt Nam, tay sai quân Tưởng
[3] Phi-lip Đơ-vi-le: Lịch sử Việt Nam 1940-1952, NXB Xơi, Paris 1952, tr. 124
[4] Viện Quan hệ quốc tế, Bộ Ngoại giao; “Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao”, NXB ST 1990, tr.78
[5] Ban nghiên cứu lịch sử ngoại giao, Bộ Ngoại giao, “Bác Hồ và hoạt động ngoại giao, một vài kỷ niệm về Bác”, NXB ST, 2008, tr.54
[6]- [7] Ghi chép lời Hồ Chủ tịch nói chuyện tại Hội nghị ngoại giao lần thứ ba, ngày 14/1/1964, tài liệu lưu trữ, Bộ Ngoại giao
[8] Nguyễn Lương Bằng: Hồi ký “Bác Hồ”, NXB Văn học, Hà Nội, 1975, tr.82
[9] Viện Quan hệ quốc tế, Bộ Ngoại giao; “Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao”, NXB ST 1990, tr.110.
Nguồn: https://baoquocte.vn/bac-ho-voi-ngoai-giao-nhung-quyet-sach-trong-thoi-diem-sinh-tu-cua-dan-toc-ky-i-320296.html
Bình luận (0)