Chiều 20-7, đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, hệ thống cảnh báo thiên tai qua điện thoại đã gửi hơn 35 triệu tin nhắn cảnh báo ngay từ khi áp thấp nhiệt đới còn ở ngoài biển Đông.
“Từ thời điểm bão hình thành đến nay, thêm 29 triệu thuê bao tiếp tục được cục nhắn tin đề nghị và hướng dẫn ứng phó với bão số 3 và mưa lũ sau bão” - đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cho biết.

Cập nhật đến chiều tối 20-7 từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, tâm bão số 3 (Wipha) đã di chuyển tới vị trí khoảng 21,8 độ Vĩ Bắc - 112,8 độ Kinh Đông, còn cách Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 560km về phía Đông, gió cấp 12, giật cấp 15. Bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 20-25km/giờ.
Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, ông Hoàng Phúc Lâm, nhận định, bão đã mạnh lên 2 cấp trong vòng 24 giờ qua, đạt cấp 12 (ngưỡng đầu của nhóm bão rất mạnh). Dự báo cho thấy, bão có thể suy yếu nhẹ khi tiếp xúc địa hình Quảng Đông (Trung Quốc) nhưng cường độ vẫn duy trì ở mức nguy hiểm khi đổi hướng và tiến vào vịnh Bắc bộ.

Đến chiều tối 21-7, tâm bão nằm trên khu vực Bắc vịnh Bắc bộ, cấp 11-12, giật cấp 15. Sau đó, từ sáng đến trưa 22-7, bão tiệm cận đất liền nước ta, ảnh hưởng trực tiếp đến Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Đến chiều 22-7, tâm bão đất liền từ Hải Phòng đến Thanh Hóa, suy yếu còn cấp 9-10, giật cấp 12.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, từ đêm mai, 21-7, ven biển Quảng Ninh đến Nghệ An sẽ bắt đầu hứng chịu gió mạnh dần lên cấp 7-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật tới cấp 14. Các khu vực nằm sâu trong đất liền cũng sẽ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9.
“Người dân tại các tỉnh ven biển cần khẩn trương gia cố nhà cửa, di dời dân nếu cần thiết và tuyệt đối không để tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm”, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia đề nghị.
Chiều 20-7, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng phát đi công văn khẩn gửi 13 tỉnh, thành phố ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ, đề nghị khẩn trương hoàn thành gia cố các vị trí đê điều có nguy cơ mất an toàn trước khi bão đổ bộ.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp, thời điểm bão cập bờ trùng với kỳ triều cường, mực nước dâng cao có thể gây mất an toàn cho các tuyến đê biển, đê cửa sông. Cùng lúc đó, bão còn gây mưa lớn diện rộng và khả năng lũ trên các hệ thống sông (trong khi các hồ chứa lớn đã gần đầy, mực nước sông Hồng và Thái Bình đang cao) khiến nguy cơ xảy ra sự cố đê điều càng nghiêm trọng hơn.


Chiều tối 20-7, Hà Nội và nhiều nơi ở Bắc bộ bắt đầu có mưa nhưng chưa có gió đáng kể. Một số khu vực ở vùng núi phía Bắc (nhất là tại tỉnh Lào Cai) vẫn xuất hiện dông lốc bất ngờ, thiệt hại không nhiều do người dân chủ động ứng phó.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/64-trieu-thue-bao-nhan-tin-bao-bao-post804618.html
Bình luận (0)