
Toàn cảnh buổi họp báo (Ảnh: Bộ KH&CN).
Chiều 7/7, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức họp báo thường kỳ về 5 đạo luật vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Đây là những luật do Bộ KH&CN chủ trì soạn thảo bao gồm Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; Luật Công nghiệp Công nghệ số; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; đặc biệt là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Năng lượng nguyên tử.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định nhấn mạnh, các đạo luật này có ý nghĩa nền tảng, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho sự phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong giai đoạn mới, góp phần hoàn thành mục tiêu chiến lược đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Đây là những luật được xây dựng lại gần như toàn diện với tinh thần tiếp thu sâu sắc các chủ trương, tư tưởng lớn của Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 22/12/2024, nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế đã tồn tại lâu nay.
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị chủ trì soạn thảo luật đã nêu những nội dung cốt lõi, thay đổi mang tính căn cơ.
Đối với Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, có hiệu lực từ ngày 01/10, thể hiện sự thay đổi căn bản trong tư duy phát triển khi lần đầu tiên đưa đổi mới sáng tạo (ĐMST) vào luật và đặt ngang hàng với khoa học công nghệ (KHCN).
ĐMST được xác định là động lực then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Luật kỳ vọng ĐMST sẽ đóng góp 3% vào tăng trưởng GDP.

Trung tâm Đổi mới Sáng tạo NIC tại Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).
Các quy định này nhằm tạo động lực, tinh thần dám nghĩ, dám làm trong nghiên cứu, hướng đến kết quả thực tiễn và gắn kết chặt chẽ giữa KHCN với phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, ngân sách nhà nước đầu tư cho nghiên cứu và phát triển sẽ ưu tiên 40-50% để thực hiện các nhiệm vụ làm chủ công nghệ chiến lược, thay vì dàn trải như trước.
Luật cũng chuyển nghiên cứu cơ bản về các cơ sở giáo dục đại học, xây dựng các đại học thành trung tâm KHCN/ĐMST quốc gia, đồng thời chuyển trọng tâm phát triển công nghệ về doanh nghiệp.
Doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ, với ngân sách nhà nước tài trợ 70-80% chi phí nghiên cứu và phát triển, và các khoản chi này được hạch toán như chi phí sản xuất kinh doanh, được tính khấu trừ thuế với hệ số ưu đãi vượt trội là 150-200% nếu đầu tư vào công nghệ chiến lược.
Đối với Luật Công nghiệp Công nghệ số, có hiệu lực từ ngày 01/01/2026, được coi là bước ngoặt lớn trong việc thiết lập khung pháp lý cho các lĩnh vực mới như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và tài sản số.
Đây là lần đầu tiên công nghiệp bán dẫn được pháp lý hóa với chiến lược phát triển chip chuyên dụng, liên kết chuỗi cung ứng toàn cầu. Các dự án bán dẫn sẽ được hưởng ưu đãi đặc thù, bao gồm miễn thuế từ 5 đến 15 năm.
Trong khi ở lĩnh vực AI, luật đưa ra nguyên tắc "lấy con người làm trung tâm", yêu cầu sản phẩm công nghệ số AI phải có dấu hiệu nhận dạng và Nhà nước dành chính sách ưu đãi cao nhất để thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, triển khai, sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Luật cũng lần đầu tiên bảo đảm quyền sở hữu, giao dịch và bảo mật đối với tài sản số, bao gồm tài sản ảo và tài sản mã hóa. Hạ tầng số thiết yếu như trung tâm dữ liệu AI, khu công nghệ số tập trung và phòng thí nghiệm quốc gia được ưu tiên đầu tư, tạo nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ của chuyển đổi số và kinh tế số Việt Nam.
Chương trình "Make in Vietnam" cũng lần đầu tiên được quy phạm hóa, thúc đẩy thiết kế, sản xuất trong nước và chuyển giao công nghệ.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa: Luật này, có hiệu lực từ ngày 01/01/2026, thể hiện tư duy quản lý mới, chuyển từ mô hình quản lý hành chính sang quản lý chất lượng theo rủi ro.
Phương thức quản lý cũng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm dựa trên dữ liệu và công nghệ số , và từ cơ chế khuyến khích sang ràng buộc trách nhiệm, minh bạch và có chế tài xử lý nghiêm.

Lần đầu tiên, Luật yêu cầu thiết lập hệ thống giám sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa quốc gia, kết nối dữ liệu liên ngành, hỗ trợ hậu kiểm và xử lý rủi ro chất lượng.
Đồng thời, quy định quản lý rõ ràng đối với hàng hóa kinh doanh trên nền tảng số, tăng cường trách nhiệm của người bán và nền tảng trung gian trong việc bảo đảm chất lượng và xử lý phản ánh của người tiêu dùng. Luật cũng bổ sung chế tài xử lý vi phạm mạnh hơn, bao gồm hình sự hóa, thu hồi giấy phép và công khai vi phạm trên nền tảng số quốc gia.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật có hiệu lực từ ngày 01/01/2026, đánh dấu sự đổi mới toàn diện trong tư duy và phương thức quản lý lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng.
Lần đầu tiên, Chiến lược tiêu chuẩn quốc gia được luật hóa như một công cụ định hướng dài hạn, đồng thời thiết lập Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
Luật cũng quy định nguyên tắc “một sản phẩm – một quy chuẩn” trên toàn quốc, chấm dứt chồng chéo quản lý và tăng hiệu quả thực thi. Đặc biệt, cơ chế thừa nhận đơn phương kết quả đánh giá quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp công nghệ cao tiếp cận nhanh thị trường, loại bỏ rào cản kỹ thuật không cần thiết đối với hàng hóa nhập khẩu công nghệ mới, công nghệ cao.
Luật cũng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thông tin tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, và thúc đẩy xã hội hóa tiêu chuẩn, mở rộng quyền tham gia của các tổ chức ngoài nhà nước trong việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn.
Đặc biệt là Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 01/01/2026) sẽ tạo lập khung pháp lý toàn diện, phù hợp với hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Luật xác định điện hạt nhân là chiến lược quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phát thải carbon.
Một điểm mới quan trọng là việc quản lý an toàn, an ninh hạt nhân được thống nhất bởi một cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo tiêu chuẩn quốc tế và quản lý toàn bộ vòng đời nhà máy.
Luật cũng có riêng một chương về an toàn cơ sở hạt nhân và thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử trong y tế, nông nghiệp, công nghiệp, hướng tới làm chủ công nghệ và chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực này.
Việc Quốc hội thông qua 5 đạo luật là bước cụ thể hóa mạnh mẽ các định hướng lớn của Nghị quyết số 57-NQ/TW và các Nghị quyết của Bộ Chính trị, đặc biệt trong việc hoàn thiện thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy các động lực phát triển mới là khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Bộ KH&CN kỳ vọng với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học và sự vào cuộc tích cực của các cơ quan báo chí, những nội dung cốt lõi của 5 đạo luật này sẽ được lan tỏa mạnh mẽ, góp phần tạo sự chuyển biến thực chất, xây dựng một nền khoa học công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo toàn diện và chuyển đổi số hiệu quả.
Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc/5-luat-moi-gop-phan-thay-doi-dien-mao-khoa-hoc-cong-nghe-cua-viet-nam-20250707184356594.htm
Bình luận (0)